Được làm từ những thân tre quen thuộc, có ai ngờ những sản phẩm mây tre đan Huế giờ đã có mặt ở khắp năm châu và được khách hàng trên thế giới ưa chuộng.
Cha truyền, con nối
Cầm trên tay chiếc đèn lồng có hình quả vả để vuốt lại những đường cong và mành tre nhằm tôn vinh nét đẹp truyền thống của sản phẩm này, nghệ nhân mây tre đan Thái Phi Hùng say sưa kể về nghề đan lát và ký ức về làng nghề truyền thống Bao La xưa. Ra đời từ 600 năm trước, làng nghề mây tre đan Bao La ở xã Quảng Phú (Quảng Điền) một thời gắn bó và tạo việc làm cho hàng trăm người dân quê. Những sản phẩm quen thuộc, như rổ, rá, thúng, mủng… không thể thiếu trong mỗi gia đình. Hàng Bao La vừa đẹp, vừa bền và nổi tiếng khắp nơi. Ông đọc cho chúng tôi nghe câu ca truyền khẩu về làng nghề: “Thúng mủng Bao La đem ra đựng bột/ Chiếu Bình Định tốt lắm ai ơi/ Tạm tiền mua lấy vài đôi/ Dành khi hiếu sự trải côi giường Lào”.
Hai nghệ nhân mây tre đan Võ Chức và Thái Phi Hùng (bìa phải) ngày đêm miệt mài với công việc sáng tạo mẫu để phục vụ thị trường xuất khẩu
Thế rồi các sản phẩm nhựa cao cấp, nhựa tái chế ào ạt xuất hiện trên thị trường với giá rẻ, mẫu mã phong phú và nhiều tính năng vượt trội nên hàng mây tre đan bỗng chốc trở thành sản phẩm “bỏ đi”. Nghề đan đát cũng thất truyền từ đó. Năm 2007, cùng với kế hoạch khôi phục và phát triển nghề, làng nghề truyền thống của UBND tỉnh cộng với niềm đam mê và tâm huyết muốn vực dậy làng nghề truyền thống “cha truyền con nối” của những người con làng Bao La và một số vùng quê trên địa bàn huyện Quảng Điền, HTX Mây tre đan Bao La và Thủy Lập chính thức thành lập. Lúc đầu, các HTX này chỉ sản xuất những sản phẩm phục vụ nông nghiệp, như các loại rổ, rá, thúng, mủng, giần, sàng… Những sản phẩm này dù tinh xảo, mẫu mã đẹp đến đâu cũng chỉ loanh quanh bên gánh hàng rong và các chợ làng. Không chịu khoanh tay nhìn làng nghề bế tắc, các nghệ nhân đã nghiên cứu, sáng tạo và thiết kế ra nhiều mẫu mã mới đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.
Sau 7 năm hình thành và phát triển, HTX Mây tre đan Bao La thiết kế và sản xuất gần 500 mẫu mã mới, tinh xảo, phục vụ nhu cầu tiêu thụ của các tỉnh, thành phố trong cả nước và xuất khẩu. Trung bình, mỗi năm HTX thiết kế và cho ra lò từ 7-10 mẫu mới. Ngoài những sản phẩm phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân, HTX đã sản xuất các loại lồng đèn, túi xách, bình hoa, nan quạt, lồng chim, bàn ghế sôpa và các vật dụng phục vụ trong các khách sạn, nhà hàng và quán cà phê.
Thăm HTX Mây tre đan Bao La vào một ngày đầu năm mới 2014, trước mắt tôi là nhà trưng bày sản phẩm quy tụ trên một ngàn sản phẩm với nhiều kiểu dáng, mẫu mã bắt mắt. Xưởng sản xuất rộng gần 500 mét vuông với gần 100 lao động đang miệt mài bên những chiếc thuyền tre, nan quạt hay đèn lồng. Chị Nguyễn Thị Hoa, một người thợ gắn bó trên 20 năm với nghề đan đát cho hay: “Sản phẩm giờ đã có thị trường tiêu thụ nên công việc khá ổn định, thu nhập cao hơn nhiều so với làm nông. Để sản phẩm làm ra ngày càng hấp dẫn khách, ngoài thời gian làm việc ở HTX, buổi tối chị em ở đây tranh thủ học thêm các mẫu mới, xem các phim Hàn Quốc, Nhật Bản thấy có mẫu lồng đèn hay quạt tre nào đẹp, dễ làm là cùng nhau nghiên cứu để nhanh chóng cho ra sản phẩm mới.”
Vươn ra biển lớn
Tre là loài cây gắn bó với đời sống bao làng quê và trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Việt. Tre mọc quanh nhà, quanh vườn, quanh đường làng, ngõ xóm và là nguyên liệu làm nên bao vật dụng tưởng chừng đơn giản nhưng rất cần thiết. Sản phẩm mộc mạc ấy giờ đây đã có mặt trong các khách sạn, nhà hàng lớn ở châu Âu và nhiều nước trên thế giới. Những chiếc lồng đèn, đèn chùm hay chiếc đèn ngủ làm bằng tre nằm uy nghi trong một khách sạn lớn ở Nhật Bản, Hàn Quốc… không chỉ tôn vinh hàng mây tre đan Huế, mà còn quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.
Ông Võ Văn Dinh, Chủ nhiệm HTX Mây tre đan Bao La cho biết: “Thông qua Công ty TNHH Vạn Xuân ở tỉnh Quảng Bình và một số đối tác ở TP Hồ Chí Minh, năm 2013 các sản phẩm mây tre đan do HTX sản xuất đã xuất khẩu và có chỗ đứng trên thị trường các nước. Theo đánh giá, các sản phẩm mây tre đan Huế xuất sang đều được các đối tác đón nhận vì mẫu mã đẹp, tinh xảo nhưng giá cả hợp lý. Năm 2014, HTX đẩy mạnh thiết kế mẫu, tạo ra nhiều mẫu mã mới phục vụ thị trường trong nước và tiếp tục cung ứng hàng cho các DN xuất khẩu sang thị trường châu Âu.”
Năm 2014, cùng với công tác thiết kế mẫu để phục vụ xuất khẩu và cung ứng cho các tỉnh, thành phố trong cả nước, HTX xúc tiến dự án xây dựng nhà trưng bày sản phẩm và điểm tham quan mua sắm phục vụ khách du lịch. Đề án có tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng và đang được các ban ngành chức năng nghiên cứu và phê quyệt. Chuẩn bị cho Festival Huế 2014, HTX sẽ sản xuất hàng ngàn mẫu mã mới, tinh xảo để phục vụ du khách tham quan và tham gia hội chợ nhằm quảng bá thương hiệu đến với du khách trong và ngoài nước.
Chia tay làng nghề mây tre đan Bao La và Thủy Lập trong ánh nắng xuân, cầm trên tay những sản phẩm tinh xảo được làm ra từ cây tre truyền thống, tôi thực sự phấn khởi và tự hào về làng nghề truyền thống quê hương. Không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp như trước, các sản phẩm mây tre đan giờ đang “hot” tại các khách sạn, nhà hàng ở khắp năm châu, mang lại niềm vui và góp phần quảng bá bản sắc văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.